Ngấp nghé 40 tuổi, Zlatan Ibrahimovic vẫn đều đặn ghi bàn, giúp AC Milan bay cao trên đỉnh Serie A và thúc đẩy công cuộc tái sinh gã khổng lồ sa cơ của bóng đá Italy.
Gánh nặng tuổi tác không làm Ibrahimovic mai một kỹ năng làm bàn. Trong ảnh là tình huống anh tung người móc bóng, ấn định thắng lợi 2-1 cho Milan trước Udinese hôm 1/11. Ảnh: AFP
Ibrahimovic sẽ không bao giờ quên một câu chuyện liên quan đến người đại diện của anh, Mino Raiola. Khi ấy ở khách sạn Okura tại Amsterdam (Hà Lan), tiền đạo sau này đầu quân cho Ajax bước vào với phong cách ăn mặc lòe loẹt: Ví Gucci, đồng hồ vàng đeo ở cổ tay và chìa khóa chiếc Porche thập thò trong túi. Trong bữa sushi, Raiola tỏ ra khó chịu với bộ dạng khoe mẽ của cầu thủ người Thụy Điển.
“Mày có còn muốn trở thành người giỏi nhất thế giới hay không? Có muốn là người kiếm nhiều tiền nhất và du hí khắp nơi với những thứ kia trên người hay không?”, Raiola nói với vẻ khinh khỉnh, trước khi thò tay vào túi lấy ra một mẩu giấy ghi những so sánh của Ibrahimovic với các tiền đạo hàng đầu cùng thời đó. “Thống kê của mày như phân ấy”.
Ngay hôm sau, Ibrahimovic vứt bỏ hết những thứ đồ đắt tiền kia khỏi người, bỏ luôn xe sang để trở lại với chiếc Fiat Stilo khiêm tốn. Anh đến sân tập, quyết chứng minh rằng gã Raiola có cái bụng béo y hệt ông trùm trong bộ phim dài tập “The Sopranos” đã sai.
Người hâm mộ và các CLB hãy cứ phê phán Raiola - một tay cò chuyển nhượng nhiều mưu lắm mẹo. Nhưng với Ibrahimovic, người đàn ông có bộ dạng đậm người, mập mạp này là nhân vật duy nhất đủ sức khơi dậy bản năng mãnh thú bên trong Ibrahimovic.
Mùa đông năm ngoái cũng vậy. Khi hợp đồng của Ibrahimovic với LA Galaxy đáo hạn, chân sút người Thụy Điển cân nhắc về tương lai. Anh băn khoăn về việc có nên gia hạn hợp đồng ở tuổi 38 và đá mùa thứ ba tại MLS. Nhưng Raiola lắc đầu. “Mino bảo tôi ‘Quá dễ để giải nghệ ở Mỹ, cậu phải trở lại và cho thiên hạ sáng mắt rằng cậu vẫn đá ngon ở châu Âu’. Tôi hỏi: ‘Thế ai đang cần tôi nhất?’”.
Raiola thông báo rằng AC Milan vẫn đang quan tâm đến Ibra. Họ đã liên lạc với anh một năm trước để mang anh về nhưng vào lúc đó, Ibra quyết đá mùa giải thứ hai ở Mỹ. Giống hệt cuộc gặp tại Amsterdam năm nào, lời nói của Raiola đã bấm vào nút kích hoạt tham vọng bên trong con mãnh thú Ibrahimovic. “OK”, Ibra trả lời. “Tôi sẽ trở về”.
Ibrahimovic trở lại Milan để chứng tỏ cho cả thế giới thấy anh vẫn đủ đẳng cấp để tỏa sáng ở châu Âu. Ảnh: AFP
Hè 2012, Milan bán Ibrahimovic cho PSG, quyết định mà về sau, cựu phó Chủ tịch của họ, Adriano Galliani, vẫn tỏ ra tiếc rẻ: “Tôi vẫn khóc vì quyết định đó”, ông thổ lộ khi Ibrahimovic trở lại San Siro hôm 27/12/2019. “Cậu ấy có thể nâng tầm đội bóng ngay lập tức, điều mà ít cầu thủ nào làm được”.
Đó là lúc Milan vừa thua Atalanta 0-5 ngay trước kỳ nghỉ Giáng sinh. Họ xếp thứ 11 trên bảng điểm Serie A, và khởi đầu của HLV Stefano Pioli, người thay Marco Giampaolo từ tháng 10/2019, rất chậm chạp. Milan khi ấy là một đội bóng trẻ chớm vào độ chín, rất cần một người dẫn đường, khi chân sút chủ lực mà sau đó Ibrahimovic thay thế là Krzysztof Piatek không còn sắc bén trước khung thành.
Lúc đó, Ibrahimovic đã nghỉ thi đấu hai tháng. Anh đã 38 tuổi, và mới hai năm trước tưởng phải kết thúc sự nghiệp vì đứt dây chằng chéo trước (ACL). Thử thách là quá lớn, cả với danh tiếng của anh lẫn Milan. Nên giai đoạn đó, hai bên chỉ nhất trí ký hợp đồng sáu tháng. Sẽ thế nào nếu cơ thể Ibrahimovic không thích nghi được với cường độ cao của Serie A và anh không còn sắc bén trước khung thành như trước nữa? Sự tự tin của Ibrahimovic như thể những câu hỏi này chưa từng xuất hiện trong đầu anh. Anh muốn chứng minh trên sân cỏ.
Ngay sau khi Ibrahimovic cập bến, điểm trung bình mỗi trận của Milan tăng từ 1,4 lên 2,1. Trong cùng giai đoạn, chỉ Atalanta có thành tích tốt hơn. Kết thúc mùa giải, Ibrahimovic phát biểu đúng khí phách thường thấy của anh: “Nếu tôi có mặt ở đây từ ngày đầu, chúng tôi đã giành Scudetto”.
Tất nhiên, sự có mặt của Ibrahimovic chỉ là một yếu tố đóng góp vào thành công chung. Việc Pioli chuyển từ hệ thống ba sang hai tiền vệ trung tâm góp phần tích cực vào sự tiến bộ của Ismael Bennacer và Franck Kessi. Simon Kjaer được chiêu mộ từ đầu năm 2020 cũng giúp nâng cấp hàng thủ, thậm chí anh còn trở thành trụ cột. Ante Rebic thông nòng ở nửa sau của mùa giải, ghi 12 bàn so với 11 của Ibra, tính trong cùng giai đoạn.
“Đương nhiên Zlatan không làm việc một mình, vì bóng đá là môn chơi tập thể”, Giám đốc Kĩ thuật Paolo Maldini giải thích hồi tháng Chín. “Nếu không có sự dốc sức của toàn đội, kể cả Lionel Messi cũng khó tỏa sáng. Luôn là như vậy. Trong một môn thể thao tập thể cần những người dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm giúp đỡ phần còn lại”.
Ibrahimovic đã làm quá tốt vai trò của người động viên các đàn em, gia tăng sự tự tin cho họ và đưa họ vào nề nếp. “Tôi là chủ tịch, HLV và cầu thủ, tất cả trong một, nhưng chỉ nhận một phần lương”, câu nói của Ibra có thể là thiếu tôn trọng với những người còn lại của đội bóng, nhưng Milan và Maldini hiểu cá tính của người đàn ông này là như thế nào, và anh cần gì để thấy thoải mái.
Ngay khi nhập cuộc, Ibrahimovic đã muốn làm chủ tình hình. 10 bàn ở Serie A sau 16 trận đá chính ở mùa trước là giá trị rất rõ rệt. Nhưng có những giá trị khác không thể đo đếm. “Trong bóng đá, có những yếu tố rất quan trọng nhưng không được hiển thị trên bề mặt”, Maldini nói. “Một trong số đó là mức độ cạnh tranh trong tập luyện. Đó là cách duy nhất để gia tăng đẳng cấp của cầu thủ. Zlatan là bậc thầy trong chuyện này. Anh ấy không bao giờ muốn thua, kể cả khi chơi bài. Tôi cũng thế đấy. Vợ thường trêu tôi, mỗi khi tôi chơi bóng bàn với bọn trẻ ở nhà. Thay vì thua để nhường lũ trẻ, tôi muốn thắng mọi trận đấu. Đó là tính cách bẩm sinh của các VĐV thể thao. Không thể khác được”.
Ibrahimovic được ví như chiến binh già, lầm lũi đưa Milan lên đỉnh Serie A.
Con trai của Maldini, tiền đạo trẻ Daniel Maldini, vốn cũng thuộc biên chế đội 1, đã được trải nghiệm điều này ngay từ ngày đầu Ibrahimovic có mặt. Trong một bài tập, anh bị đàn anh kéo và đẩy ngã trên sân. “Tôi vẫn còn sống”, Daniel nói đùa trong một bình luận trên Instagram.
“Sự ủng hộ của Zlatan là rất quan trọng”, Pioli nói. “Máu ganh đua của cậu ấy rất kinh khủng. Chúng tôi cam kết cùng nhau vượt qua các thử thách. Zlatan hỗ trợ đội bóng tập luyện chính xác, có tính liên tục và cường độ phù hợp”.
Ibrahimovic không chấp nhận việc tập luyện thiếu tập trung, qua quýt, khó chịu với từng đường chuyền sai địa chỉ hay di chuyển không bóng thiếu ăn ý. Có lần Raiola nói rằng, nếu tiếp tục tập cùng Mario Balotelli tại Inter, Ibra sẽ mất kiên nhẫn. Lý do? “Tôi nhớ có lần cậu ta bắt đồng đội đứng úp mặt vào tường vì cường độ tập luyện của họ chưa hợp lý”, Galliani kể lại.
Ibrahimovic khiến các cầu thủ xung quanh đá tốt hơn. Anh thúc đẩy họ trở nên chăm chỉ hơn, gây sức ép lên họ. Giải thích về chuỗi 23 trận bất bại của Milan trên mọi đấu trường, chân sút này nói: “Chúng tôi gắn kết hơn. Tinh thần toàn đội đã khác. Cầu thủ trẻ dũng cảm chịu trách nhiệm về mình. Họ hy sinh nhiều hơn. Mọi người phải thấy cách họ tập luyện hàng ngày. Cực tốt”.
Ibrahimovic thúc đẩy các đồng đội trẻ trên sân tập, truyền cho họ ý thức chiến đấu và kỷ luật. Ảnh: ACM
Ibrahimovic thừa nhận tuổi tác khiến anh không thể chơi như trước nữa, nên thay vì dẫn bóng một mạch từ giữa sân rồi ghi bàn, anh tập trung hoạt động trong vòng cấm và không thể hỗ trợ phòng ngự quá nhiều. “Nếu ở độ tuổi đôi mươi, không ai cản được tôi. Nhưng ngay cả lúc này, cũng chẳng ai đủ khả năng cản tôi”, Ibrahimovic nói sau trận derby Milano hôm 17/10. Trận này, anh ghi cú đúp, giúp Milan lần đầu thắng Inter kể từ tháng 1/2016.
Sau trận đấu đó, anh đăng hình hai chú sư tử lên trang Twitter cá nhân, kèm dòng caption có một từ duy nhất: “Fame”. Trong tiếng Italy, nó nghĩa là “Đói khát” - và đó cũng là phẩm chất mà Ibrahimovic chưa bao giờ đánh mất.