Kể từ khi HLV Ole Gunnar Solskjaer nắm quyền cuối 2018, mỗi khi nhận được kỳ vọng là lập tức Man Utd gây thất vọng và ngược lại.
Solskjaer (trái) động viên Lindelof, sau khi thắng 3-1 trên sân Everton. Ảnh: Reuters.
Sau khi thắng Everton 3-1 ở vòng 8 Ngoại hạng Anh tối 7/11, CĐV Man Utd đã kéo nhau lên mạng xã hội, đề nghị CLB khẩn trương đại tu sân Old Trafford để thầy trò Ole Gunnar Solskjaer luôn được đá sân khách mùa này. Hành động vui này xuất phát từ thực tế là Man Utd toàn thắng cả ba trận trên sân khách ở Ngoại hạng Anh - đóng góp tới 90% điểm số hiện tại. Còn trên sân nhà, họ bị Crystal Palace quật ngã 3-1 ngay vòng mở màn, để Tottenham dìm trong “biển máu” của thất bại 1-6, và gần nhất là thất thủ lần đầu sau 14 năm trước Arsenal.
Solskjaer bắt đầu công việc ở Manchester bằng một trận sân khách, thắng Cardiff 5-1. Ông thắng trận đầu tiên trước một đối thủ trong “Big Six” cũng là khi xa nhà (1-0 trước Tottenham). Trận đấu bước ngoặt, giúp HLV người Na Uy có hợp đồng dài hạn ở Man Utd cũng đến từ sân khách, khi thắng 4-1 trên sân của PSG ở lượt về vòng 1/8 Champions League. Tấm vé dự Champions League mùa này cũng được thầy trò Solskjaer giật về từ King Power ở vòng cuối mùa trước. Chuyện Man Utd đá tốt sân khách, dưới triều đại Solskjaer, tự nhiên như cách ông có thói quen ghi bàn mỗi khi vào sân từ ghế dự bị thời còn là cầu thủ. Nó cũng khiến người ta dễ bỏ qua những ưu điểm khác của nhà cầm quân 47 tuổi trong gần hai năm qua.
Ngày nay, Jurgen Klopp được xưng tụng là HLV giỏi bậc nhất Ngoại hạng Anh, bên cạnh Pep Guardiola. Nhưng ít người biết rằng trong 100 trận đầu tiên dẫn dắt Liverpool, số trận thắng của ông (50) còn khiêm tốn hơn Solskjaer (55). “The Kop” trong năm năm trước không khác mấy so với Man Utd bây giờ. Cả hai cùng trong giai đoạn chuyển giao. Thuyền trưởng mới không những bắt tay xây dựng triết lý mới, mà còn phải giải quyết những tồn dư từ các đời HLV trước. Quá trình ấy phản ánh vào thành tích thi đấu. Chủ sân Anfield chỉ nổi lên từ năm thứ ba được Klopp dẫn dắt, với chiến tích vào chung kết Champions League, nhưng nửa đầu mùa 2017-2018 đáng nhớ ấy, họ vẫn thi đấu phập phù. Qua cột mốc 100 trận cùng Liverpool, Klopp chỉ thắng thêm sáu trong 14 trận, trước khi vào guồng nhờ sự xuất hiện của trung vệ Virgil Van Dijk.
Tại Man Utd lúc này, chỉ duy nhất Bruno Fernandes (phải) chơi ổn định. Ảnh: Reuters.
Đẳng cấp của Van Dijk là thứ miễn bàn, nhưng yếu tố quan trọng hơn theo chân trung vệ người Hà Lan đến Anfield là cá tính. 26 tuổi, cầu thủ gốc Surinam mới được chơi cho một CLB lớn, sau khi phiêu bạt khắp Groningen, Celtic và Southampton. Nhờ sáu năm trui rèn ấy, những từ như “thất bại”, “đầu hàng” không bao giờ có trong từ điển của Van Dijk. Thủ lĩnh hàng thủ Liverpool cụ thể hóa bằng hành động khi không để đối thủ nào vượt qua trong 65 trận, kéo dài từ tháng 3/2018 đến tháng 8/2019. Liverpool hưởng lợi từ màn trình diễn chói sáng ấy, và vươn mình giành hai danh hiệu danh giá Champions League, rồi Ngoại hạng Anh.
Cá tính Van Dijk phần nào được thầy trò Solskjaer thể hiện trong trận thắng Everton tối 7/11. Trước trận, báo giới Anh đồn ầm lên rằng Mauricio Pochettino đã sẵn sàng, chỉ chờ trát sa thải ập xuống Solskjaer. Man Utd một mực phủ nhận nguồn tin này, nhưng những áp lực ngoài sân cỏ không hề giảm bớt. Các nhà cái đột ngột giảm tỷ lệ cược cho khả năng Solskjaer bị sa thải, cũng như Pochettino kế nhiệm - đồng nghĩa rằng họ tin điều này rất dễ xảy ra. Nó rất giống như khi Pochettino mất ghế tại Tottenham cùng thời điểm này năm ngoái. Nhưng rồi, mọi chuyện lại rẽ theo hướng khác, với chiến thắng dành cho Solskjaer.
Đó không phải lần đầu Solskjaer vượt qua những khúc cua tử thần. Hồi tháng 1/2020, trận thua Burnley 0-2 trên sân nhà khiến Man Utd chỉ được ba điểm sau bốn trận gần nhất. Họ chới với ở giữa bảng, gần như tuột khỏi tay giấc mộng dự Champions League, và trước mắt còn hai chuyến làm khách của Man City rồi Chelsea. Một tháng trước đó, trận hòa đáng thất vọng với Aston Villa khiến “Quỷ đỏ” chỉ có 10 điểm sau chín vòng, đứng sát nhóm cầm đèn đỏ, và sắp phải đấu Tottenham, sau đó là Man City. Nhưng, như một phép màu, Solskjaer sống sót qua cả hai bận, bằng những chiến thắng thần kỳ trên sân khách, thậm chí còn khiến Guardiola bị ám ảnh vào cuối mùa khi thắng tới ba lần.
Khi điều bất ngờ xảy ra một lần, người ta có thể đổ cho may mắn. Ở lần thứ hai, đó có thể là sự trùng hợp. Nhưng Solskjaer đã không dưới ba lần vượt qua những lằn ranh sinh tử. Một HLV thiếu bản lĩnh không thể phản ứng gắt tới vậy ở những thời khắc cân não. Một tập thể, nếu có ý đồ đá ghế thầy, sẽ không đời nào chịu thắng Newcastle 4-1 hay Everton 3-1. Vấn đề chỉ là, tại sao thứ bản lĩnh ấy chỉ hiển hiện mỗi khi đội bóng đứng bên bờ vực? Thay vì tự nhiên phát tiết như cách huyền thoại Alex Ferguson từng át vía Ngoại hạng Anh.
Câu trả lời có thể tìm thấy trong đoạn chia sẻ của Solskjaer sau trận thắng Everton. Ông nói: “Chúng tôi muốn ổn định hơn, trước khi tiến lên phía trước. Chẳng ai thích bị chỉ trích. Học trò của tôi càng không. Họ luôn ra sân và chơi hết mình. Chưa khi nào, Man Utd nhập cuộc với tư tưởng là chiến thắng sẽ tự đến mà không cần làm việc. Hôm nay là một màn trình diễn đặc biệt, sau một tuần lễ khó khăn. Công việc của tôi giờ là đảm bảo phong độ ấy không bị tụt xuống”.
Klopp hoàn toàn đồng cảm với đồng nghiệp ở quan điểm này. Ông từng tâm sự với Sky Sports về cảm xúc sau khi giúp Liverpool vô địch nước Anh mùa trước: “Tôi đã bối rối lúc chuẩn bị cho trận gặp Man City, ngay sau khi lên ngôi. Tôi không muốn lạm dụng những kiểu cũ rích như ‘Các cậu hãy quên chuyện xảy ra ba ngày trước’. Tôi biết các học trò khao khát thắng hôm ấy, nhưng chúng tôi có lẽ đã thiếu tập trung, như đáng phải thế ở những trận quan trọng. Chúng tôi vẫn chơi thứ bóng đá chất lượng nhưng tiếc là không ghi bàn”.
Man Utd hòa một, thua ba trong bốn trận chơi sân nhà ở Ngoại hạng Anh mùa này. Ảnh: AP.
Giành được thành công mới đã khó, giữ được nó càng khó hơn. Và chỉ khi làm được điều đó, một đội bóng mới được xưng tụng bằng từ “đẳng cấp” và có “văn hóa chiến thắng”. Man Utd của Solskajer đang thiếu thứ văn hóa ấy. Họ có thể thắng PSG, Leipzig - hai đội vào bán kết Champions League mùa trước, nhưng lại thua Istanbul Basaksehir. Họ có thể đá ngang phân Chelsea hay Arsenal, nhưng lại bị lối đá đơn giản của Crystal Palace làm khó.
Tranh cãi và chỉ trích sẽ luôn là bạn đồng hành khi một đội bóng tìm lại hào quang xưa cũ. Liverpool mùa 2017-2018 cũng vậy. Nhiều người sẽ cười khẩy thầy trò Klopp nếu được hỏi về hình ảnh một đội bóng lớn, sau khi khởi đầu mùa giải bằng hai trận thua tan nát: 0-5 truóc Man City, và 1-4 trước Tottenham. Nhưng chính tập thể ấy, với Van Dijk làm thủ lĩnh hàng thủ ở nửa sau mùa giải, đã đánh bại Man City ở tứ kết Champions League bằng tổng tỷ số 5-1.
Chưa HLV nào dẫn dắt Man Utd tới cuối mùa thứ ba trong giai đoạn hậu Alex Ferguson. Liverpool kiên nhẫn hơn. Họ đều cho Brendan Rodgers và Jurgen Klopp hơn ba năm thử thách, để rồi hưởng trái ngọt. Sự khác biệt giữa Rodgers và Klopp ở chỗ, sau mùa giải bước ngoặt, nhà cầm quân người Đức gặt hái danh hiệu còn đồng nghiệp người Bắc Ireland lại thụt lùi.
So với thành tích đứng thứ nhì Ngoại hạng Anh mùa 2013-2014 của Rodgers, và vào chung kết Champions League mùa 2017-2018 của Klopp, Solskjaer lép vế. Ông mới giúp Man Utd vào bán kết Europa League, vào top 4 Ngoại hạng Anh, và chưa thể coi là tạo ra một mùa giải bước ngoặt tại Old Trafford. Giữa lúc trăn trở về thứ gọi là “bản sắc” và “cá tính”, ấn tượng lớn nhất mà Solskjaer mang lại là những mâu thuẫn kéo dài một cách ổn định qua từng năm.
Đó chưa thể là cơ sở để Man Utd giành được thành công lâu dài, trừ phi tuyển mộ được một cầu thủ như Van Dijk.