Nếu xem bàn thắng là thước đo sự hấp dẫn của các giải đấu, La Liga đang đứng cuối cùng trong top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
Thống kê về số cơ hội ăn bàn, số lần dứt điểm và số bàn thắng của La Liga hai mùa gần đây đã giảm mạnh so với Serie A, Bundesliga, Ngoại hạng Anh và thậm chí cả Ligue 1. Danh sách những cây săn bàn hàng đầu châu Âu cũng dần vắng bóng những cái tên đến từ La Liga. Một năm qua, La Liga là giải đấu có tỷ lệ bàn thắng trung bình thấp nhất châu Âu, chỉ 2,4 bàn mỗi trận.
“Các giải đấu khác đang dẫn trước chúng tôi”, Felipe Minambres, Giám đốc Thể thao Celta Vigo, nói với El Pais. “Ngay cả người Italy cũng thay đổi quan niệm. Serie A có rất nhiều trận đấu mở, nhiều tình huống tấn công và nhiều bàn thắng. Trong khi Tây Ban Nha đang đi theo cách khác”.
Từ giải đấu khô khan nhất thế giới, Serie A đã trở thành giải đấu hoa mỹ nhất. Thống kê từ Opta cho thấy, Serie A có trung bình 25,4 pha dứt điểm và 3,4 bàn mỗi trận - cao nhất châu Âu. Bundesliga xếp sau với 3,2 bàn mỗi trận và Ngoại hạng Anh có 3,1 bàn. Các đội bóng Ligue 1 cũng tấn công tốt hơn La Liga, với trung bình 23,2 lần dứt điểm và 2,8 bàn mỗi trận. Điều này đã xảy ra suốt một năm và chưa có sự thay đổi.
Sergio Ramos - một trung vệ - là chân sút số hai của Real mùa trước với 11 pha lập công. Ảnh: Eurosport.
La Liga hiện không có chân sút nào trong top 10 tiền đạo ghi bàn tốt nhất châu Âu. Người ghi bàn nhiều nhất La Liga hiện là Mikel Oyarzabal, với sáu bàn cho Real Sociedad. Con số này kém xa 11 bàn của Robert Lewandowski, và cũng xếp dưới top 5 danh sách phá lưới ở Ngoại hạng Anh. Thành tích của Oyarzabal thậm chí kém “ông già” 39 tuổi Zlatan Ibrahimovic, người có tám pha lập công cho Milan từ đầu mùa.
Oyarzabal chỉ đứng thứ 26 trong top tiền đạo ghi hàng đầu châu Âu. Trong một thế kỷ qua, La Liga chưa từng chứng kiến việc có ít hơn ba người nằm trong top 20 của thống kê này. Dù mùa giải mới đi được đoạn ngắn, đây vẫn là những dấu hiệu tồi tệ về cơn khô hạn bàn thắng ở giải đấu luôn được ngợi ca về chất lượng tấn công của các đội.
Không phải ngẫu nhiên Oyarzabal trở thành điểm sáng mùa này. Anh chơi cho Real Sociedad, một trong số ít đội bóng không phụ thuộc vào sơ đồ 4-3-3. Đây là sơ đồ hình mẫu với nhiều CLB La Liga, sau thành công vang dội của Barca thập kỷ trước. Sociedad, thường chơi 4-1-4-1 hoặc 4-4-1-1, là đội ghi bàn nhiều nhất lúc này, với 20 bàn - hơn Barca và Real lần lượt năm và sáu bàn. Họ cũng dẫn đầu bảng thứ bậc một cách ngoạn mục với 20 điểm sau chín vòng.
Sự hỗ trợ của ngôi sao kỳ cựu David Silva giúp Oyarzabal và Sociedad có nhiều bàn thắng mùa này. Ảnh: Estaticos Sport.
Imanol Alguacil, HLV của Sociedad, thích tấn công chủ động, hơn là trông chờ sai sót của đối thủ. Khi Sociedad tấn công, hầu hết các vị trí của họ dâng cao – điều ít đồng nghiệp của Alguacil thực hiện bởi lo sợ bị phản công.
“Để ghi bàn, trước tiên phải tạo ra cơ hội”, nhà cầm quân 49 tuổi nói với El Pais. “Hiện nay, các cơ hội thậm chí phải rất rõ ràng, vì hậu vệ và thủ môn ngày càng phòng ngự kín kẽ hơn. Tôi đã chứng kiến những trận đấu có nhiều cơ hội ghi bàn nhưng đối phương phòng thủ quá tốt và bàn thắng không tới. Điều này xảy ra rõ nhất với Real và Barca. Họ không còn hiệu quả như những năm trước”.
Theo Felipe Minambres, những gì đang xảy ra ở La Liga không ngẫu nhiên. Sau thời kỳ rực rỡ của Pep Guardiola ở Barca, với đỉnh cao là danh hiệu Champions League 2011, chủ nghĩa bảo thủ đã xuất hiện ở La Liga. “15 năm trước, mỗi đội đá một kiểu và không ai có phong cách riêng”, Minambres nhận định. “Barca đã định hình phong cách của họ và liên tục giành chiến thắng. Nhiều đội khác cũng làm theo. Nhưng điều này đang dần mất đi. Giờ đây, các đội bóng chỉ trông chờ đối phương phạm sai lầm để ra đòn kết liễu”.
Làn sóng mới từ băng ghế chỉ đạo cũng được xem là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn bàn thắng của La Liga. Zinedine Zidane rất thành công từ khi dẫn dắt Real. Nhưng ông là đệ tử ruột của Marcelo Lippi – một HLV đặc chất Italy. Diego Simeone cũng bị mê hoặc bởi một huyền thoại Italy khác – Luigi Simoni. Cả hai học được nhiều chiến thuật từ bóng đá Italy, hơn là bóng đá Tây Ban Nha. Điều tương tự cũng xảy ra với Ronald Koeman – người dẫn dắt tuyển Hà Lan thiên về phong cách thận trọng của ông thầy cũ Guus Hiddink, hơn là sự phóng khoáng của đồng nghiệp Erik ten Hag ở Ajax.
Simeone và Zidane đều không theo đuổi trường phái bóng đá phóng khoáng. Ảnh: Marca.
Không như Sociedad, hầu hết các CLB La Liga bây giờ ít chấp nhận rủi ro hơn. “Họ thu hẹp không gian, bịt kín đường vào khung thành”, Minambres phân tích thêm. “Nhiều đội đạt kết quả tốt từ cách chơi này và thấy không cần thay đổi. Ngay cả các đội thích áp đặt lối chơi cũng ít chấp nhận mạo hiểm hơn trước. Không như các giải khác, thay đổi chiến thuật là điều không thường xảy ra trong mỗi trận đấu ở Tây Ban Nha”.
Biểu hiện dễ thấy của sự thận trọng và bế tắc trong lối chơi ở La Liga là số lượng đường chuyền tăng vọt theo từng năm, đi kèm với số cơ hội ngày càng ít hơn. Một thập kỷ trước World Cup 2018, La Liga có trung bình 820 đường chuyền mỗi trận. Hai năm qua, con số này tăng lên 870. “Khán giả sẽ không thích lối chơi cầm bóng chậm rãi. Họ muốn quả bóng luân chuyển nhanh hơn, ít đường chuyền hơn và nhiều cú sút hơn”, Marcelino Garcia Toral, cựu HLV Villarreal và Valencia, nói.
Atletico Madrid từng nổi lên nhờ lối đá rắn chắc của HLV Simeone, Real Madrid thành công với mỏ neo kép Casemiro – Toni Kroos, và ngay cả 4-4-2 với Busquets cặp cùng Vidal ở trung lộ của Barca cũng mang về chức vô địch cho HLV Ernesto Valverde. Những nhà vô địch La Liga không nhất thiết phải tấn công cuồng nộ. “Các HLV ngày càng có xu hướng coi trọng việc giữ sạch lưới”, Luis Milla, cựu tiền vệ từng chơi cho cả Real và Barca, nói với El Pais. “Họ luôn chú ý xây chắc hàng thủ, tổ chức chặt chẽ lối chơi và khiến các trận đấu bế tắc hơn. Trước đây, chúng ta có nhiều ý tưởng tấn công hơn”.
La Liga đã sa sút về khả năng làm bàn trong ba mùa gần đây. Thời gian này trùng hợp với sự ra đi của Neymar (đến PSG năm 2017) và Cristiano Ronaldo (tới Juventus năm 2018). Chưa kể những cây săn bàn có tên tuổi khác như Ben Yedder, rời Sevilla tới Monaco năm 2019. Hè năm nay, việc “chảy máu” các chân sút danh tiếng tiếp tục xảy ra, giữa cuộc khủng hoảng Covid-19 đe dọa vấn đề tài chính của các đội.
Neymar (trái) và Ronaldo rời đi khiến số lượng bàn thắng ở La Liga thâm hụt đáng kể. Ảnh: Goal.
Nhiều CLB lớn đã đẩy đi những ngôi sao săn bàn đình đám. Real chia tay Gareth Bale và James Rodriguez. Alvaro Morata, số 9 của ĐT Tây Ban Nha, bị Atletico đẩy sang Juventus. Valencia thì bán Rodrigo cho Leeds và chuyển nhượng Ferran Torres cho Man City. Tất cả chân sút này đều đã ghi bàn ở các CLB mới của họ.
“Trong ba năm qua, những người giỏi nhất đã rời đi và tất cả đều thấy hậu quả”, Milla cảnh báo các CLB ở La Liga. “Cristiano, Neymar hay Rodrigo có thể cùng nhau ghi ít nhất 60 bàn mỗi mùa. Khi để những ngôi sao tới các giải đấu khác, La Liga đã tự suy giảm giảm chất lượng cạnh tranh”. Thực tế, không phải lúc nào các giải đấu cũng tạo nên ngôi sao. Phần lớn trường hợp, các đội phải chi tiền để mua họ về - như Real từng làm với Ronaldo hồi Hè 2009.
Kể từ mùa 2012-2013, khi Messi, Ronaldo, Falcao, Negredo và Soldado nằm trong top 10 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất châu Âu, sự hiện diện của các chân sút La Liga ngày càng ít hơn. Mùa trước, không cầu thủ nào tới từ Tây Ban Nha nằm trong nhóm bốn chân sút ghi nhiều bàn nhất. Messi chỉ có 25 bàn, xếp dưới Timo Werner (28), Ronaldo (31), Robert Lewandowski (34) và Ciro Immobile (36). Trước đó, điều này đã không xảy ra từ mùa 2001-2002.
La Liga, từ giải đấu hoa mỹ bậc nhất thế giới, được đánh giá cao nhất về chất lượng, đang dần trở thành giải đấu thận trọng và kém hấp dẫn nhất.