HLV Alfred Riedl qua đời

Huấn luyện viên Alfred Riedl, cựu thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam qua đời ở tuổi 71.

Đêm 7 rạng sáng 8/9 (giờ địa phương), giới truyền thông Áo đưa tin chiến lược gia Alfred Riedl qua đời vì bệnh ung thư tại quê nhà. Cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam hưởng thọ 71 tuổi.

Theo Kurier , HLV Alfred Riedl đã qua đời sau nhiều năm điều trị bệnh ung thư. Ông ở bên vợ và người thân trong khoảnh khắc cuối cùng vào đêm 7, rạng sáng 8/9 (giờ địa phương).

Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Áo (OFB), ông Leo Windtner, đã gửi lời chia buồn tới gia đình và bày tỏ lòng biết ơn đối với HLV Riedl sau những cống hiến của ông cho bóng đá Áo. "Alfred Riedl là một cầu thủ xuất sắc ở thời kỳ của mình. Ông ấy cũng đã làm rất tốt với tư cách là HLV ở nước ngoài. Vì vậy, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Alfred Riedl”.

image

Ông Alfred Riedl từng 3 lần dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong các giai đoạn 1998-2000, 2003-2004 và 2005-2007. Ông từng được coi là HLV ngoại thành công nhất trong giai đoạn trước năm 2008 khi nhiều lần giúp tuyển Việt Nam vào chung kết các giải đấu khu vực như AFF Cup (tiền thân là Tiger Cup) và SEA Games.

Là cầu thủ danh tiếng ở thế hệ của mình, nhưng Alfred Riedl luôn khiêm nhường và không ngần ngại xông pha vào những điểm nóng quân sự hoặc vùng trũng bóng đá.

Áo là một nền bóng đá thuộc diện trung bình ở châu Âu, và chịu nhiều ảnh hưởng của cường quốc láng giềng Đức. Trong vòng hàng chục năm, bóng đá nước này chỉ thần tượng đúng một cái tên Matthias Sindelar - cố cầu thủ đầu thế kỷ 20, từng dự World Cup 1934. Ngay cả khi bước sang thế kỷ mới, người hâm mộ chỉ biết đến Áo nhờ đúng hai gương mặt: David Alaba vừa đoạt cú ăn ba cùng Bayern Munich, và Marko Arnautovic - cầu thủ từng được ví von với Zlatan Ibrahimovic.

Với một nền bóng đá như vậy, thật khó để sản sinh những HLV tài ba, có sức ảnh hưởng lớn tầm thế giới. Nhưng Riedl là một ngoại lệ. Ông làm được nhiều thứ, tại không dưới 10 quốc gia khác nhau, có sức ảnh hưởng lớn tại Đông Nam Á, nhưng chưa bao giờ tự nhận mình là người hùng.

HLV Riedl rảo bước trên đường phố Việt Nam, nơi ông có ba giai đoạn làm HLV đội tuyển.

HLV Riedl rảo bước trên đường phố Việt Nam, nơi ông có ba giai đoạn làm HLV đội tuyển.

Khiêm tốn và dũng cảm là hai đức tính giúp Riedl hằn sâu trong tâm trí bất kỳ người nào khi tiếp xúc. Từng giành Chiếc Giày Đồng châu Âu, vô địch Áo hai lần, và ba lần là Vua phá lưới tại giải vô địch quốc gia, nhưng cố HLV người áo ít khi nhắc đến bản lý lịch này.

Bắt đầu từ đề nghị của cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Áo Beppo Mauhart năm 1990, khi đội tuyển nước này thiếu người cầm lái, Riedl không ngần ngại nhận lời, dù hơn một lần sau này thừa nhận chẳng có nhiều kinh nghiệm huấn luyện. Tuy nhiên, bằng chính trải nghiệm bản thân, ông thầy sinh năm 1949 giúp học trò làm được điều họ cần làm, hạ Quần Đảo Faore với tỷ số 1-0.

Không ngại khó, ngại khổ, Riedl gây thiện cảm với gần như tất cả 17 nơi ông từng làm việc, dù đó có là châu Phi, Vùng Vịnh hay vùng trũng của bóng đá thế giới Đông Nam Á. Chỉ cần thấy phù hợp và được đảm bảo quyền lực trong công tác huấn luyện, Riedl sẽ lập tức xách vali đến. Olympique de Khouribga, đội bóng nước ngoài đầu tiên của Riedl, là trường hợp như vậy. Vừa chữa chứng thoát vị đĩa đệm, ông vừa chỉ đạo và giám sát buổi tập của học trò từ phòng y tế bằng vốn tiếng Pháp học vội trong vài tháng.

Riedl khép lại sự nghiệp cầu thủ năm 1985 nhưng chưa bao giờ ngừng học hỏi, kể cả khi làm thầy. Năm 1994, khi được bổ nhiệm dẫn dắt CLB Ai Cập El Zamalek, một trong những việc đầu tiên ông làm là tìm hiểu các phong tục Hồi giáo. Ông liên tục hỏi các trợ lý, rằng lúc nào cầu thủ phải nghỉ tập để cầu nguyện buổi tối. Thói quen ấy được Riedl duy trì đến tận sau này, khi trở lại làm việc ở Palestine.

Năm 2001, sau khi rời Khánh Hòa, Riedl lần thứ ba làm việc ở vùng Vịnh, trong màu áo CLB Kuwait Al Salmiya. Đó là quãng thời gian khốn khó, theo đúng nghĩa đen. Vừa ra sân tập, ông vừa phải trữ sẵn mặt nạ phòng độc trong túi hành lý, đề phòng quân đội Iraq của Saddam Hussein tấn công. Lần kế tiếp trở lại Tây Á, trên cương vị Giám đốc Thể thao ở Tehran, Iran, ông miệt mài xây dựng các giáo án và hệ thống tập luyện cho cầu thủ, bất chấp nguy cơ bị theo dõi rình rập. Dù hiểm nguy như vậy, nhà cầm quân người Áo vẫn chủ trương trung lập về chính trị, và là HLV đầu tiên dẫn dắt Palestine đá vòng loại World Cup tại sân trung lập ở Qatar.

HLV Riedl khóc khi gặp lại người hiến thận trên sóng truyền hình Indonesia đầu năm 2011.

Thành công vang dội cùng bóng đá Việt Nam giúp Riedl giống như một đại sứ thiện chí của Áo tại Hà Nội . Trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chính phủ Việt Nam, HLV Riedl luôn được mời tới tiệc chiêu đãi. Năm 2006, khi bệnh suy thận mãn tính của ông được công khai, hơn 150 người Việt Nam đã tình nguyện hiến tạng cho ông. Đầu năm 2007, ca cấy ghép hoàn thành, và Riedl một lần nữa sải cánh trên bầu trời bóng đá thêm 10 năm nữa.

13 năm sống chung với quả thận của một người khác, Riedl không một lời bi quan, dù biết rằng sẽ đến lúc, những loại thuốc chống đào thải sẽ khiến hệ thống miễn dịch của ông bị suy yếu trong cuộc chiến chống lại các khối u. Mùa thu năm ngoái, người ta vẫn trông thấy ông tràn đầy sinh khí vung gậy đánh golf lúc 7 giờ sáng. Đến tháng 12, Liên đoàn bóng đá Indonesia đánh tiếng, muốn HLV sinh năm 1949 lần thứ tư dẫn dắt đội tuyển bóng đá nước này.

HLV Hữu Thắng rót nước mời thầy cũ Alfred Riedl trong cuộc họp báo ở AFF Cup 2016. Lúc này, ông dẫn dắt đội tuyển Indonesia. Ảnh: Đức Đồng.

HLV Hữu Thắng rót nước mời thầy cũ Alfred Riedl trong cuộc họp báo ở AFF Cup 2016. Lúc này, ông dẫn dắt đội tuyển Indonesia. Ảnh: Đức Đồng.

Khi chưa kịp ra quyết định, ngày đầu năm 2020, Riedl tỉnh dậy và biết cơ thể mình vừa bị thua một bàn. Một mạch máu của ông bị vỡ, và Riedl cần điều trị tích cực trong vài tháng. Khi Covid-19 ập đến châu Âu, ông vẫn nhiệt tình cập nhật tình hình sức khỏe cho truyền thông. Tháng 6/2020, khi hầu hết các giải đấu châu Âu rục rịch trở lại, ông lại lên sóng truyền hình và bày tỏ sự ngưỡng mộ với thế hệ cầu thủ hiện tại.

Hai tuần trước lúc Riedl trút hơi thở cuối cùng, đồng đội cũ Pepi Hickersberger tới thăm và phát hiện ra đôi môi sưng tấy một cách bất thường nơi cựu HLV đội tuyển Việt Nam. Hoài niệm về những chuyến phiêu lưu bóng đá trước đây của Riedl được kể rành rọt nhưng ngắt quãng. Xen giữa là những nụ cười nhuốm màu cam chịu từ vị HLV từng không ngần ngại xông pha vào những nơi chốn hiểm nguy.

Đêm 7/9, tại nhà riêng ở Pottendorf, đại sứ bóng đá Riedl lại bắt đầu một chuyến phiêu lưu mới. Lần này chỉ riêng ông biết, mình sẽ dấn thân đến đâu.

HLV Alfred Riedl Và Những Cột Mốc Với Bóng Đá Việt Nam

Ông Alfred Riedl và lần ngỡ ngàng vào quán thịt chó Việt Nam

3 nhiệm kỳ dài, ngắn của ông Alfred Riedl cũng là quãng thời gian mà ông làm quen với cuộc sống ở Việt Nam của những năm đầu tiên của thế kỷ XXI còn giằng xé giữa sự hiện đại và tập tục lạc hậu.

Ông Alfred Riedl và lần ngỡ ngàng vào quán thịt chó của Việt Nam

Ông Riedl vào quán thịt chó

Bây giờ trên đường Nhật Tân, quán thịt chó chẳng còn rôm rả nữa. Lúc này, người ta thậm chí còn nghiêm túc bàn đến chuyện luật hóa cấm ăn thịt chó cơ mà. Nhưng 10 năm trước, thịt chó vẫn cứ là món khoái khẩu của “dân nhậu” Việt Nam. Như đã nói, bên kia đê của đường Nhật Tân đủ các quán thịt chó từ “Xịn” đến “Như ý” các kiểu.

Ông Alfred Riedl làm việc ở Việt Nam ở giai đoạn ấy. Qua lời kể của ông Nguyễn Văn Dậu - tài xế của ông Riedl lúc bấy giờ thì có lần, một người bạn đưa chiến lược gia người Áo đến một quán ăn thịt chó ở Nhật Tân. Ông Riedl đồng ý như tham gia một bữa tiệc.

Nhưng nhìn thấy mắm tôm, ông lắc đầu. Nhìn thấy thịt chó, ông cũng rất ngạc nhiên. Để rồi sau cùng, ông gọi một cái… đùi gà. Người bạn của ông cũng lấy làm lúng túng. Và bản thân một HLV đến từ châu Âu cũng chỉ để miếng đùi gà ấy cho phải phép chứ chẳng ăn.

Ông Riedl và kỷ niệm vào quán thịt chó khi còn dẫn dắt ĐT Việt NamÔng Riedl và kỷ niệm vào quán thịt chó khi còn dẫn dắt ĐT Việt Nam

Ông Riedl thích ăn phở hơn. Nhưng đó vẫn chưa phải là món mà ông ấy thích nhất tại Việt Nam. Theo ông Dậu, món mà ông Riedl tấm tắc khen nhất có lẽ là món nem. Chứ đa phần, ông Riedl vẫn sử dụng món Tây trong quãng thời gian làm việc ở Việt Nam.

Ông thích uống bia, đặc biệt là bia tươi. Ông xem bia là tốt cho sức khỏe. Ông hay cùng người bạn uống bia ở quán Moka gần Nhà Thờ hay quán Âu Lạc ven Hồ Tây, đối diện Sofitel Plaza.

Có lần, sau khi kết thúc trả lời phỏng vấn, ông Riedl “xổ” ra một tràng tiếng Đức: “Thế thôi nhé! Tôi phải đi gặp mấy người bạn để uống bia và nói tiếng… Đức. Lâu lắm rồi không được nói tiếng Đức".

Ông Riedl khá… mê tín

Cũng theo lời kể của vị tài xế già, ông Riedl khá để ý đến chuyện tâm linh. Trước mỗi trận đấu quan trọng của ĐT Việt Nam, ông thường đi nhà thờ. Bản thân A.Riedl cũng không giấu khi bộc bạch: “Tôi và vợ tới nhà thờ để nguyện cầu Chúa phù hộ cho đội tuyển”. Thậm chí, ông Riedl còn nói khó với vợ của mình là bà Jolanda để không đến sân Mỹ Đình xem chồng mình cầm quân.

Cụ thể ở 2 trận tại giải Honda Cup, Việt Nam hòa cả Bucheon SK (Hàn Quốc) và Indonesia khi bà Jolanda đến sân. Vậy là ông Riedl thuyết phục bằng được vợ mình ở nhà xem tivi. Ở trận đấu đó, Việt Nam thắng 1-0 trước Barcelona B.

Ông Riedl rất để ý đến chuyện phong thủyÔng Riedl rất để ý đến chuyện phong thủy

Ngoài ra, có một chi tiết nữa liên quan đến chuyện “mê tín” của ông Riedl. Vị chiến lược gia người Áo quyết định chọn tầng 5 ở biệt thự cao cấp Sedona mà VFF thuê thay vì là tầng 2 như ban đầu. Bởi căn hộ tầng dưới đấy chính là căn hộ cũ của người tiền nhiệm Tavares, người không thành công với bóng đá Việt Nam.

Một người đúng giờ và giàu tình cảm

Ông Riedl có một tác phong rất chỉn chu. Ông là người tôn trọng giờ giấc. Tài xế Nguyễn Văn Dậu kể một câu chuyện: “Có một lần tôi phải đợi ông ấy, A.Riedl mở cửa xe và xin lỗi ngay: “Tôi đã đến muộn …2 phút”. Tôi nhìn đồng hồ thì đúng là 2 phút thật”.

Một câu chuyện khác ít ai biết là HLV Riedl có một nỗi niềm sâu kín là ông và bà Zolanda không thể có con. Nhưng ông vẫn hết mực yêu bà và không hề đòi hỏi ở bà một điều gì. Ông Riedl cũng rất thương người.

HLV Mai Đức Chung chia sẻ với báo chí: “Có một lần, báo chí phê phán ông ấy kịch liệt vì Riedl đi quảng cáo cho thương hiệu nồi cơm điện. Tuy nhiên, họ không hề biết ông ấy đã lấy toàn bộ số tiền quảng cáo trị giá 1.500 USD đi làm từ thiện. Tôi và bác sĩ Hiền (Nguyễn Trọng Hiền) đi cùng ông ấy.

Khi đó, đội tuyển đang tập trung trên Nhổn (Hà Nội). Ông Riedl bảo Hiền ơi, anh vào trong làng ở gần khu tập trung đội tuyển, tìm hiểu xem ai là người nghèo nhất ở làng này. Anh Hiền đi trước rồi thông báo về cho Riedl. Ông ấy cùng anh Hiền vào tận nơi, đến tận nhà đó để trao 1.500 USD. Ông ấy không giữ lại đồng nào”.